Quá trình rụng tóc do hóa trị (CIA - Chemotherapy-induced alopecia) là một trong những tác dụng phụ phổ biến đối với phụ nữ bị ung thư vú. Mặc dù quá trình mọc tóc thường hồi phục sau quá trình hóa trị liệu, tuy nhiên, tỉ lệ rụng tóc vĩnh viễn sau ung thư (PCIA – Permanent Chemotherapy-induced alopecia) vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định ở những người trưởng thành sống sót sau ung thư vú và có thể lên đến 30% theo một nghiên cứu của Freites-Martinez và cộng sự (J Am Acad Dermatol 80:1199–1213).
Việc rụng tóc do hóa trị có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về sau như trầm cảm, vai trò trong công việc và xã hội bị ảnh hưởng, những vấn đề liên quan đến giới tính, và chất lượng cuộc sống giảm. Một số giải pháp dùng thuốc (như dùng protein FNK chống lại quá trình chết của tế bào - (Life Sci 82:218 - 225)) hoặc vật lý trị liệu đã được phát triển để ngăn ngừa hoặc điều trị CIA, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế. Ví dụ như việc làm mát da đầu có thể giúp giảm sự rụng tóc, nhưng không có một nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả của giải pháp này trong điều trị PCIA sau khi nó xảy ra. Trong khi các biện pháp làm giảm các tác dụng không mong muốn khác của hóa trị liệu đã được kiểm soát khá hiệu quả như buồn nôn, táo bón hoặc đau, thì việc rụng tóc do hóa trị vẫn còn là một thách thức trong điều trị ung thư trên lâm sàng.
Quá trình hóa trị ức chế sự phân chia nhanh chóng của các tế bào sợi tóc và gây ra quá trình chết theo chu trình (apoptosis) của chúng. Quá trình chết theo chu trình và quá trình hoại tử (necrosis) thứ cấp quá mức do hóa trị liệu làm kích thích sự sản sinh các chất trung gian của phản ứng viêm - chịu trách nhiệm gây ra và kéo dài tình trạng viêm vi thể của da đầu (scalp micro-inflammatory conditions). Trong đó, protein Bcl-2 (protein B cell lymphoma 2) ở da đầu đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa chu trình mọc tóc bình thường.
Một chế phẩm dùng ngoài bôi ở da đầu với các thành phần từ dược liệu đã được chứng minh có tác dụng tăng cường sự sản sinh Bcl-2 ở biểu mô da đầu ở thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ trên các nam giới tình nguyện khỏe mạnh (Hair Ther Transplant 3:1 - 5). Trong các thử nghiệm lâm sàng khác, việc dùng chế phẩm bôi da chứa các thành phần từ dược liệu này đã chứng minh giúp tăng cường quá trình mọc lại tóc, sức mạnh và độ dày của tóc (Eur J Cancer 51:S225; Supportive Care in Cancer volume 28, pages 1829-1837(2020)).
Các thành phần từ dược liệu trong chế phẩm bao gồm các thành phần hành tây (Allium cepa L.), chanh tây (Citrus limon L.), Ca cao (Theobroma cacao L.), hạt Guarana (Paullinia cupana).
Một số hình ảnh các thành phần dược liệu trong chế phẩm lotion hỗ trợ mọc tóc
Với sự hỗ trợ của công nghệ chiết xuất và bào chế hiện đại, thành phần có hoạt tính của các dược liệu này đã được kết hợp với các tá dược để đưa vào dạng lotion dùng bôi da đầu giúp đem đến các hiệu quả hỗ trợ mọc tóc như đã đề cập ở trên. Trong thời gian sắp đến, xu hướng kết hợp thế mạnh của y học cổ truyền như nguồn dược liệu phong phú, nhiều vị thuốc, bài thuốc cổ truyền với khoa học hiện đại như kỹ thuật chiết xuất, phân tích, bào chế, và các mô hình thử nghiệm tác dụng dược lý hiện đại sẽ ngày càng phát triển nhằm đem đến nhiều chế phẩm an toàn, kinh tế và hiệu quả sử dụng trong công tác chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ và điều trị bệnh.
Tài liệu tham khảo:
- Kang, D., Kim, I., Park, Y.H. et al. Impact of a topical lotion, CG428, on permanent chemotherapy-induced alopecia in breast cancer survivors: a pilot randomized double-blind controlled clinical trial (VOLUME RCT). Support Care Cancer 28, 1829 - 1837 (2020). https://doi.org/10.1007/s00520-019-04982-z.
- National Insititute of Health (NIH), Botanical Lotion CG428, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/medgen/895210. (Date: November 01, 2020)
Tổng hợp: Hồ Hoàng Nhân