Chiến lược ngành Dược 2020 - tầm nhìn 2030: Làm gì?

(Tài chính) - Chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 xác định, sản xuất thuốc trong nước phải phát huy được tiềm năng, thế mạnh, trong đó đi sâu vào bào chế thuốc chất lượng tốt, thay thế thuốc nhập khẩu. Chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng số thuốc lưu hành trên thị trường.

Các doanh nghiệp sản xuất dược lại đang gặp khó khăn về thử lâm sàng.

Để phát triển thuốc trong nước, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 264 năm 2009, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Bộ Y tế có kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược. 

Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành y tế cũng triển khai mạnh mẽ chương trình Con đường thuốc Việt kêu gọi toàn thể cán bộ trong ngành y tế, đặc biệt các bác sĩ ở mỗi bệnh viện phải quan tâm tới thuốc sản xuất trong nước. 

Hội đồng thuốc trong bệnh viện chú trọng dùng thuốc sản xuất trong nước. Để phát triển thuốc trong nước, Kết luận 264 cũng xác định, người dân cần lưu ý sử dụng các sản phẩm thuốc sản xuất trong nước; doanh nghiệp ngành dược cũng phải tự hoàn thiện, tự đầu tư để sản xuất ra những dòng thuốc chất lượng. Bởi đây là yếu tố để thuốc nội có thể cạnh tranh với thuốc nhập khẩu, là cơ sở để thực hiện chủ trương người Việt dùng thuốc Việt, tăng hơn nữa thị phần và tạo đà để các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Nước ta được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu trong khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện ở sự đa dạng về chủng loại cây dược liệu (trong số hơn 12.000 loài thực vật Việt Nam thì gần 4.000 loài có công dụng làm thuốc), vùng phân bố rộng khắp cả nước, nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới. 

Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường phân tích, dược liệu mới được phát triển trở thành nguồn nguyên liệu cho ngành dược, song đã nhanh chóng thuyết phục các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ước tính, một loại thuốc với 3 loại cây bìm bìm, biển xúc và atiso đã mang lại doanh số 300 tỷ đồng/năm, trung bình 1 loại cây cho 100 tỷ đồng. Như vậy, chỉ cần sử dụng 100 loại cây trong kho tàng dược liệu khổng lồ của nước ta thì đã có thể đạt doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp sản xuất dược lại đang gặp khó khăn về thử lâm sàng. Theo đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nội, quy định hiện hành yêu cầu mỗi loại thuốc phải được thử lâm sàng từ 100 đến 200 người, nên nếu không có sự phối hợp của bệnh viện thì sẽ khó đưa vào sản xuất đại trà. Tuy nhiên, khó khăn này không thể níu sự phát triển của ngành dược, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất dược với các bệnh viện. Bên cạnh đó, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc liên kết sản xuất, sử dụng và kiểm duyệt, việc bảo đảm chất lượng thuốc nội sẽ được thực hiện chặt chẽ và mang lại kết quả tốt hơn.

Trong quá trình triển khai chiến lược này, cơ quan quản lý luôn quan tâm kiểm soát chất lượng thuốc rất gắt gao, nhất là những biện pháp để kiểm soát chất lượng thông qua thử tương đương sinh học. Hiện nay, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu 12 hợp chất phải tương đương sinh học. 

Nhưng các doanh nghiệp trong nước đã thực hiện được 44 hoạt chất, bảo đảm thực hiện được yêu cầu đến năm 2020 có 40% thuốc sản xuất trong nước, thuốc nhập khẩu phải có chứng minh tương đương sinh học để chứng minh được chất lượng, từ đó thu hút người dân sử dụng thuốc nội. 

Trên cơ sở thế mạnh nguồn dược liệu trong nước, chuẩn hóa từ nguyên liệu đầu vào cho tới sản phẩm đầu ra, thì sự hợp tác của truyền thông với ngành khoa học, giữa nhà khoa học, nhà nông, nhà quản lý, doanh nghiệp… dược liệu nước ta sẽ có vùng nguyên liệu bền vững dựa trên quy hoạch được phê duyệt.

Như vậy, từ lợi thế tự có về dược liệu và sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, thì mục tiêu đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng số thuốc lưu hành trên thị trường có nhiều cơ hội thực hiện.

Theo daibieunhandan.vn