FDA phê duyệt thuốc mới điều trị bổ sung cho người bệnh Parkinson

(Suckhoedoisong.vn) - Thuốc nourianz (istradefylline) vừa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt để điều trị bổ sung cho bệnh nhân trưởng thành mắc parkinson đã dùng levodopa / carbidopa nhưng không còn đáp ứng tốt với các thuốc này, làm gia tăng các triệu chứng của Parkinson như run, khó đi lại…

Bệnh Parkinson là một tình trạng suy nhược, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của bệnh nhân. Theo Viện Y tế Quốc gia, Parkinson là chứng rối loạn thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai ở Mỹ sau bệnh Alzheimer. Ước tính 50.000 người Mỹ được chẩn đoán mắc Parkinson mỗi năm và khoảng một triệu người Mỹ mắc bệnh này. Rối loạn thần kinh thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi, tuy nhiên nó cũng có thể xảy ra ở lứa tuổi sớm hơn. Đó là tính trạng các tế bào trong não, nơi sản xuất ra một chất hóa học gọi là dopamine, bị suy yếu hoặc chết. Dopamine giúp truyền tín hiệu giữa các vùng não tạo ra các chuyển động trơn tru, có mục đích - chẳng hạn như ăn, viết… Các triệu chứng ban đầu của bệnh rất tinh tế và thường xấu đi dần theo thời gian. Ở một số người, bệnh tiến triển nhanh hơn so với những người khác.

Hiệu quả của nourianz trong điều trị bổ sung này đã được thể hiện trong bốn nghiên cứu lâm sàng đối chứng giả dược trong 12 tuần với tổng cộng 1.143 người tham gia. Trong cả bốn nghiên cứu, những bệnh nhân được điều trị bằng nourianz đều trải qua sự giảm đáng kể về mặt triệu chứng bệnh so với bệnh nhân dùng giả dược.

Các phản ứng bất lợi phổ biến nhất được quan sát thấy ở những bệnh nhân dùng nourianz là chứng khó đọc, chóng mặt, táo bón, buồn nôn, ảo giác và mất ngủ. Bệnh nhân cần được theo dõi sự phát triển của chứng khó đọc hoặc làm trầm trọng thêm chứng khó đọc hiện có. Nếu xuất hiện ảo giác, hành vi tâm thần hoặc hành vi bốc đồng/cưỡng chế xảy ra, nên giảm liều hoặc ngừng sử dụng nourianz. Sử dụng nourianz trong khi mang thai không được khuyến khích. Phụ nữ có khả năng sinh con nên được khuyến cáo sử dụng biện pháp tránh thai trong quá trình điều trị.

Bích Ngọc Nguồn: (fda.gov)