Với nhiều cơ chế, chính sách ban hành gần đây, cây dược liệu đang rộng mở cơ hội đóng góp quan trọng cho mục tiêu của ngành công nghiệp dược trị giá 20 tỷ USD.
Sa sút vì dược liệu Trung Quốc
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, TS Phan Thúy Hiền, Phó viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, nhu cầu sử dụng dược liệu ở nước ta lớn và rộng rãi, từ hệ thống mạng lưới các bệnh viện y học cổ truyền, công ty dược, cơ sở nhà thuốc, phòng chẩn trị y học cổ truyền đến các cơ sở kinh doanh về dược liệu…
Mặc dù nhu cầu sử dụng dược liệu của nước ta khá lớn và đang ngày càng tăng mạnh, tuy nhiên theo đánh giá, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 80% lượng dược liệu từ nước ngoài, phần lớn là từ nước láng giềng Trung Quốc.
Việc trồng và phát triển cây dược liệu, trước đây chúng ta từng có thời gian khá phát triển, không chỉ nuôi trồng, khai thác tự nhiên ở các vùng miền núi, mà còn trồng tập trung, quy mô lớn cả ở các tỉnh vùng đồng bằng trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên về sau, (khoảng từ năm 2000 đến 2010), diện tích trồng cây dược liệu có xu hướng ngày càng giảm đi.
Việc giảm mạnh diện tích trồng cây dược liệu, không phải do nguyên nhân giá trị sản xuất nhóm cây trồng này thấp hơn các loại cây trồng khác, mà chủ yếu do làn sóng nhập khẩu dược liệu giá rẻ từ Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp dược quay sang sử dụng dược liệu nhập khẩu và dược liệu trong nước không thể cạnh tranh được.
Đến năm 2013, khi Chính phủ có quyết định số 1976/QĐ-TTg (Quyết định 1976) về phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu đến năm 2020, định hướng tới năm 2030, cây dược liệu mới bắt đầu có những chính sách riêng để phát triển.
Trước khi có Quyết định 1976 của Chính phủ, cũng phải nói rằng cả một giai đoạn dài, chúng ta thiếu những cơ chế, chính sách và nguồn lực nhằm tạo động lực cho việc phát triển cây dược liệu.
Trước đây, Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004 không có quy định nào về giống cây trồng là cây dược liệu, việc quản lý nhà nước về giống cây trồng cũng không đề cập tới giống cây dược liệu… Vì vậy, khi nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm hay nhập nội giống cây dược liệu, rất khó khăn trong công tác công nhận, bảo hộ cũng như quản lý nhà nước về sản xuất, lưu thông…
Trong khi đó, ngành y tế lâu nay cũng chưa có cơ quan hỗ trợ về quản lý nhà nước đối với cây dược liệu, mà chỉ có Viện Dược liệu là đơn vị duy nhất có các hoạt động nông sinh liên quan tới nghiên cứu, bảo tồn, phát triển cây dược liệu, đồng thời còn phải đảm nhiệm rất nhiều vai trò tham mưu cho Bộ Y tế nên cũng không thể có hệ thống nguồn lực về con người, cơ sở vật chất và hệ thống quản lý chuyên ngành một cách chuyên sâu, bài bản về cây trồng giống như bên ngành nông nghiệp…
Đáng mừng là hiện nay, cùng với Quyết định 1976 của Chính phủ, Luật Trồng trọt năm 2018 cùng với các văn bản hướng dẫn đã đưa giống cây dược liệu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, bên cạnh đó cũng đã có các chính sách đặc thù riêng đối với nhóm cây dược liệu…
Đến năm 2019, Bộ Y tế cũng đã có quyết định về việc ban hành Danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030…
Mới đây nhất, ngày 17/3/2021, Chính phủ đã có Quyết định 376/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong các quyết định, chính sách mới được ban hành này, đều đã có sự tham gia của Bộ NN-PTNT, nhất là trong công tác nghiên cứu, phát triển giống, kỹ thuật nuôi, trồng, phòng chống sâu bệnh hại… đối với cây dược liệu.
Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi, tạo hành lang cả về mặt pháp lý, quản lý nhà nước cũng như có các cơ chế, chính sách, nguồn lực để vực dậy, phát triển bền vững theo chuỗi giá trị đối với cây dược liệu tại nước ta trong giai đoạn tới.
Theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020.
Xây dựng được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên. Xây dựng được 02 - 05 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 01 - 02 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Đến năm 2030, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 30% so với năm 2020, phát triển được 10 - 15 dược liệu di thực đáp ứng nhu cầu trong nước. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10 - 15 giống cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn…
Đến năm 2045: Việt Nam có thuốc phát minh từ nguồn dược liệu đặc hữu được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.
Chú trọng bảo tồn
Theo TS Phan Thúy Hiền, hiện nay, nước ta có trên 5.100 loài cây thuốc trong danh mục của ngành y tế, trong đó có rất nhiều loại cây cũng là đối tượng quản lý của ngành nông nghiệp. Trước đây, khi nói tới cây dược liệu, nhiều người thường nghĩ cây dược liệu là lâm sản ngoài gỗ, chỉ trồng dưới tán rừng, nhưng thực tế không hoàn toàn là như thế.
Rất nhiều cây dược liệu hiện nay cũng trồng thuần, tập trung thâm canh tương tự như cây nông nghiệp. Lâm sản ngoài gỗ là cây dược liệu chỉ đúng với những cây chịu được bóng, trồng được trong tán rừng hay những cây mọc dưới tán rừng và khai thác tự nhiên. Trong khi đó, rất nhiều cây dược liệu tại nước ta là trồng như cây nông nghiệp, trồng thâm canh trên đất nông nghiệp.
Đối với cây dược liệu là cây khai thác từ tự nhiên, những năm qua, nước ta cũng đã có chính sách bảo tồn trong chương trình bảo tồn nguồn gen của Chính phủ phê duyệt cho từng giai đoạn, do Viện Dược liệu là đầu mối.
Viện Dược liệu hiện có 6 đơn vị thành viên tham gia công tác điều tra, đánh giá, bảo tồn các loài cây thuốc để xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên dược liệu Việt Nam.
Cuối năm 2019, Bộ Y tế cũng đã ký quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu nguồn gen và Giống dược liệu Quốc gia (trực thuộc Viện Dược liệu). Ngoài ra, Viện Dược liệu hiện có 4 trung tâm nghiên cứu, trồng và chế biến cây thuốc trên cả nước.
Tất cả các đơn vị này của Viện Dược liệu đều có vườn bảo tồn cây thuốc hàng năm và vườn bảo tồn cây lâu năm với khoảng 1.000 loài cây thuốc. Hằng năm, chương trình bảo tồn, quản lý nguồn gen quốc gia đều có một phần nguồn kinh phí cho việc bảo tồn quỹ gen và cây thuốc.
Hiện Viện Dược liệu cũng đã và đang được giao triển khai một số chương trình điều tra và bảo tồn cây thuốc khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, trong đó có việc xây dựng các vườn bảo tồn để giữ nguồn gen quý, qua đó hệ thống lại các cơ sở dữ liệu trong nguồn tài nguyên cây thuốc Việt Nam. Viện Dược liệu cũng đang đề xuất việc điều tra, bảo tồn cây thuốc ở khu vực Tây Bắc, tiến tới các vùng khác trên cả nước…
Những năm qua, Viện Dược liệu cũng đã nhập nội, đánh giá, khảo nghiệm, trong đó đã có một số cây dược liệu được chuyển giao, đưa ra sản xuất. Bên cạnh việc bảo tồn nguồn cây dược liệu bản địa trong nước, công tác nhập nội để từng bước đa dạng hóa loài cây dược liệu cũng cần được chú trọng, có chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.
"Để phát triển cây dược liệu, đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong ngành dược và người sản xuất cây dược liệu. Bởi việc sản xuất cây dược liệu đòi hỏi những điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định khắt khe, bản thân người dân tự phát trồng cây dược liệu, sẽ khó có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật. Vì vậy nhu cầu tới đâu, sản xuất tới đó ,nếu nông dân cứ ồ ạt phát triển mà không có sự liên kết chặt chẽ, rõ ràng với doanh nghiệp chế biến sẽ rất nguy hiểm, rất dễ phải đổ đi…" TS Phan Thúy Hiền, Phó viện trưởng Viện Dược liệu.
Theo LÊ BỀN - NGUYÊN HUÂN (ghi)