Cánh cửa Đại học rộng mở chào đón các bạn tân sinh viên đến trường với đầy sự háo hức và không kém phần bỡ ngỡ lo lắng. Chia tay bạn bè, thầy cô cũ của THPT, và thậm chí chia tay ba mẹ, rời khỏi nơi mình đang sống để đi học Đại học ở một thành phố khác, tân sinh viên phải đương đầu với nhiều thay đổi về tâm lý
Giai đoạn chuyển tiếp luôn luôn là những thời điểm khó khăn nhất và gây nhiều sự lo sợ. Những tân binh hãy đừng nản lòng vì cảm giác đó là bình thường mà nhiều bạn cũng phải trải qua. Hãy chuẩn bị cho mình những vũ khí mạnh mẽ nhất để đối mặt với cuộc chiến gay go sắp tới bạn nhé.
Hòa nhập và thích nghi với môi trường mới là một trong những vũ khí cần thiết nhất đối sinh viên năm đầu. Hòa nhập và thích nghi là kỹ năng chủ động tìm hiểu về môi trường mới, thiết lập quan hệ rộng rãi và tích cực tham gia họat động để trở thành một nhân tố đắc lực.
Nhiều sinh viên xa nhà trong năm đầu đại học vừa nhớ nhà vừa cảm thấy lạc lõng, bỡ ngỡ giữa một môi trường xa lạ, dễ dàng rơi vào tình trạng chán nản, suy nghĩ tiêu cực và thậm chí là muốn bỏ cuộc ngay khi cuộc hành trình vừa bắt đầu. Tầm quan trọng của sự hòa nhập và thích nghi là khi có nó sinh viên tạo ra cho mình một môi trường thoải mái và tinh thần lạc quan kích thích sự hiệu quả trong học tập.
Đồng thời hòa nhập và thích nghi trong suốt những năm đại học sẽ làm cho kinh nghiệm đại học của bạn thêm phần ý nghĩa và đầy màu sắc khó quên. Một cô bé năm ba đại học khi được hỏi về những kỹ năng cần thiết mà em đã học trong những năm qua, tròn xoe mắt nhìn và suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Kỹ năng gì nhỉ, em có học gì đâu, ý chị là sự thông minh hay nhanh nhẹn ư?” Những hiện tượng như trên không phải là hiếm thấy. Nhiều sinh viên đi học một cách thụ động chỉ đến lớp học rồi về nhà, muốn lấy tấm bằng đại học để đi kiếm tiền nhưng kỹ năng sống và nhận thức còn rất non nớt. Hòa nhập và thích nghi giúp sinh viên có cơ hội tham gia nhiều họat động thú vị, rèn luyện những kỹ năng thiết thực khác, hoàn thiện bản thân và có được cuộc sống đại học phong phú.
Hòa nhập và thích nghi là vô cùng cần thiết vì sự học hỏi trong cuộc sống không phải chỉ từ sách vở thầy cô mà còn cả từ bạn bè và những người xung quanh. Bạn bè không chỉ là nguồn chỗ dựa tinh thần quý báu mà còn là nơi bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi nhiều điều mới trong một không khí thoải mái, gần gũi.
Hãy sống với tinh thần học mọi lúc mọi nơi và học không có giới hạn. Cũng như ông bà ta đã đúc kết trong câu tục ngữ: “Học thầy không tày học bạn.”
Làm sao để hòa nhập và thích nghi dễ dàng ngay từ năm đầu?
Bạn hãy chủ động tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức về ngôi trường đại học tương lai nơi mà bạn sẽ trưởng thành trong ít nhất vài năm sắp tới. Mỗi một trường đại học có một bề dày truyền thống, lịch sử và nét đặc trưng riêng. Hãy tăng cường sự hiểu biết về ngôi trường mới bằng cách nghiên cứu sách vở, phương tiện truyền thông như báo chí, website và những diễn đàn trên mạng. Những thông tin thiết thực mà học sinh nên biết là các ngành học trường cung cấp, những chương trình nghiên cứu, những thành tích nổi bật của trường. Ngoài ra sinh viên cần tìm hiểu về các quá trình đăng ký lớp học, chọn lớp, những thông tin về nơi ăn ở, đi lại, những tiện nghi cho học sinh như thư viện, phòng thể dục thể thao,v.v.
Hơn thế nữa nếu có thể, bạn hãy tiếp cận với các thầy cô và các anh chị lớp trên để nắm bắt được những đặc thù riêng biệt của trường từ những chuyện quan trọng như các lớp học ở đâu, kiếm học bổng như thế nào, v.v. cho đến những chuyện cỏn con nhu trưa nay đi ăn hàng với lũ bạn ở đâu.
Tích cực chủ động tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với thầy cô và bạn học cùng ngành để sát cánh hỗ trợ nhau về mặt học tập cũng như tinh thần. Thầy cô và bạn học cùng ngành là những người có cùng một điềm đam mê nên bạn sẽ dễ dàng chia sẻ và gắn bó với họ hơn bất kỳ ai hết. Lớp học ở đại học trong những giảng đường rộng lớn, hãy ngồi ở những vị trí trung tâm phía trước dể tránh nhiều sự phân tâm và gây ấn tượng tốt với thầy cô. Hãy tích cực phát biểu ý kiến xây dựng bài học, tranh thủ gặp thầy vô vào giờ giải lao để giài đáp thắc mắc hoặc trò chuyện. Học nhóm và tham gia câu lạc bộ cùng với những bạn cùng chí hướng.
Chỉ tích cực trong lớp học của mình vẫn chưa đủ, tham gia các hoạt động ngoại khóa phù hợp với sở thích và các tổ chức đoàn hội để tạo dựng một hệ thống “network” rộng lớn hơn. Ngoại trừ những giờ học căng thẳng sinh viên cần tham gia vào những sân chơi bổ ích và lành mạnh. Hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên có điều kiện để chia sẻ niềm đam mê, sở thích và học hỏi kinh nghiệm đồng thời xây dựng những tình bạn có ý nghĩa.
Hoạt động ngoại khóa đem đến sự cạnh tranh lành mạnh giúp sinh viên có động lực cài thiện những kỹ năng vốn có. Ví dụ như môt học sinh thích các môn khoa học sẽ có nhiều niềm vui khi tham gia các Câu lạc bộ cuộc thi về khoa học và đồng thời sẽ mở rộng vốn kiến thức vốn có, tiếp thu nhiều điều mới mẻ. Đoàn hội là nơi tập trung nhiều sinh viên tích cực và giàu nhiệt huyết.
Là một thành viên của đoàn hội, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người từ khác ngành học khác nhau, tham gia các hoạt động tình nguyện phục vụ cho cộng động và xã hội đầy ý nghĩa. Không những chỉ tham gia mà hãy trở thành những thành viên tích cực nhất và thậm chí đảm nhận các vai trò chủ chốt, có như vậy sinh viên mới thực sự trở nên năng động và có tính sáng tạo, tổ chức cao.
Ngoài trường lớp ra, sinh viên cần hòa nhập tại nơi ở của mình-đặc biệt là các sinh viên sống trong ký túc xá hoặc nhà trọ. Đây thường là lần đầu tiên trong đời, sinh viên sống một mình hoặc với bạn bè chứ không phải là với bố mẹ người thân và điều đó hoàn toàn không dễ dàng chút nào cả. Trước hết, bạn hãy tìm hiểu về những lựa chọn về chỗ ở để có thể chọn một nơi phù hợp nhất. Sống ở ký túc xá thì gần trường, tiện lợi cho việc đi lại nhưng không phải ai cũng được quyền lợi đó. Thuê chỗ ở gần trường cũng sẽ tiết kiệm nhiều thời gian nhưng giá cả thuê nhà sẽ cao hơn những chỗ xa hơn một chút.
Ở một mình hay với một hai người bạn hay một nhóm đông cũng là câu hỏi bạn cần đặt ra cho bản thân. Đối với năm đầucó lẽ ở chung nhà với nhiều bạn sẽ có lợi nhiều cho việc thích nghi với môi trường đại học vì có những người bạn cùng phòng làm cầu nối xã giao cho mình. Đồng thời với việc tìm hiểu về nơi ở, các bạn năm đầu cũng phải thích nghi với một phong cách sinh sống rất mới mẻ là sống chung với bạn.
Để có thể hòa nhập và thích nghi với cuộs sống tại ký túc xá, sinh viên phải tìm hiểu về cách sống tập thể, đặt ra quy luật sinh sống chung với bạn chung phòng. Việc hòa đồng với bạn cùng phòng sẽ tạo ra nhiều lợi thế trong việc sinh sống tại ký túc xá. Không những là sinh viên sẽ có một bầu không khí thoải mái khi ở tại phòng mình, mà ngừơi bạn cùng phòng còn là một cầu giao tiếp nối với việc thiết lập quan hệ bạn bè mới trong môi trường mới lạ.
Hãy đừng vì bỡ ngỡ mà đóng cửa phòng hay sống khép kín, hãy thỉnh thoảng mở cửa phòng ra tạo sự thân thiện để mọi người có thể tiếp cận mình dễ dàng. Hãy tạo ra những hoạt động chung để bạn cùng phòng, cùng khu, cùng lầu..có dịp làm quen gắn bó như học nhóm, nấu ăn chung, tập thể dục, đi chơi, v..v Cuộc sống chung là một sự chia sẻ và dung hòa, nhưng vẫn tôn trọng không gian riêng giữa hai người bạn cùng phòng. Sinh viên phải rèn luyện một nề nếp sống tập thể, và tinh thần ý thức trách nhiệm cao.
Đầu tiên, hai sinh viên chung phòng phải nhất trí đề ra quy luật sống, từ việc quan trọng như giờ học và nghỉ ngơi cho đến nhiều việc cỏn con như đứa nào được chiếc giường thoải mái kia. Công việc nấu ăn và dọn dẹp cũng phải được phân chia đều đặn và hợp lí. Đồng thời, sinh viên cũng phải né tránh việc xâm phạm không gian cá nhân của bạn mình, đừng lầm tưởng họ với đứa em trai ở nhà. Sự hỗ trợ lẫn nhau trong năm đầu đại học sẽ trợ giúp sinh viên trong ký túc xá vượt qua nhiều khó khăn về mặt học vấn và tinh thần.
Dú trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy luôn tạo cho mình một thái độ lạc quan và rèn luyện óc hài hước. Thời gian trong đại học đầy cạnh tranh, thử thách và căng thẳng. Một sinh viên có tinh thần lạc quan và óc hài hước sẽ tạo ấn tượng tốt với mọi người và được nhiều người yêu mến. Họ sẽ thích nghi với bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào một cách dễ dàng hơn.
Nguồn: kynang.edu.vn