Việc lạm dụng các kháng sinh đường uống thường dùng có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson (PD) hay không? Khả năng đó đã được gợi ý bởi một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Movement Disorders.
Nghiên cứu bệnh chứng với dữ liệu từ hàng chục nghìn bệnh nhân Parkinson và đối chứng, các nhà thần kinh học của bệnh viện Đại học Helsinki (Phần Lan) đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng, kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí, nấm và sự phát triển của bệnh Parkinson. Ngoài ra thời gian sử dụng kháng sinh dường như cũng đóng vai trò trong mối liên hệ này, kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng một số loại kháng sinh có thể dẫn đến sự phát triển bệnh Parkinson (PD) với độ trễ có thể lên tới 10 đến 15 năm. Mối liên quan này có thể được giải thích bởi sự rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột gây ra do ảnh hưởng của thuốc.
Nhà thần kinh học TS. Filip Scheperjans, trưởng nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Helsinki cho biết: “Mối liên hệ giữa việc sử dụng kháng sinh và bệnh Parkinson là phù hợp với quan điểm mới về việc ở một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân, các bệnh lý của bệnh Parkinson có thể bắt nguồn từ hệ thống đường ruột. Điều này có liên quan đến các thay đổi của hệ vi sinh đường ruột xuất hiện nhiều năm trước khi có các triệu chứng điển hình của bệnh Parkinson như di chuyển chậm chạp, cứng cơ và run rẩy tứ chi. Người ta đã biết có sự bất thường trong thành phần vi khuẩn đường ruột ở bệnh nhân Parkinson, nhưng nguyên nhân của vấn đề này vẫn chưa được rõ. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một số loại kháng sinh thường dùng có thể là một yếu tố dẫn đến sự bất thường này”.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá tác động của việc sử dụng kháng sinh đối với nguy cơ bị bệnh Parkinson bằng một nghiên cứu bệnh chứng ở quy mô quốc gia. Để tiến hành nghiên cứu này các tác giả đã thu thập thông tin tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán mắc PD ở Phần Lan trong những năm từ 1998 đến 2014. Đồng thời thông tin đặt mua thuốc kháng sinh đường uống của các cá nhân trong những năm từ 1993 đến 2014 cũng được thu thập, kết hợp với dữ liệu bệnh nhân Parkison để đánh giá mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc kháng sinh trước đó và nguy cơ mắc bệnh PD. Nghiên cứu được tiến hành trên 2 nhóm: nhóm các bệnh nhân Parkinson với 13.976 trường hợp và nhóm đối chứng khỏe mạnh với 40.697 trường hợp.
Kết quả cho thấy mối liên quan lớn nhất với nguy cơ PD được tìm thấy đối với các trường hợp sử dụng các kháng sinh macrolide và lincosamide đường uống, với tỉ số chênh (Odds ratio – OR) lên đến 1.416 và khoảng tin cậy 95% (95% Confidence Interval – CI) là 1.053-1.904 (nếu OR lớn hơn 1 cho thấy việc sử dụng kháng sinh làm tăng nguy cơ bị PD, nếu OR bằng 1 cho thấy ko có liên quan giữa việc sử dụng kháng sinh và nguy cơ bị PD, nếu OR nhỏ hơn 1 cho thấy việc sử dụng kháng sinh làm giảm nguy cơ bị PD). Sau khi điều chỉnh so sánh nhiều nhóm, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những trường hợp sau đây làm tăng khả năng bị bệnh Parkinson:
- sử dụng thuốc chống động kinh và tetracycline 10 đến 15 năm trước thời điểm được chuẩn đoán bệnh;
- sử dụng thuốc sulfonamide và trimethoprim 1 đến 5 năm trước thời điểm được chuẩn đoán bệnh;
- sử dụng thuốc kháng nấm từ 1 đến 5 năm trước thời điểm được chuẩn đoán bệnh.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự thay đổi hệ vi sinh đường ruột đã được phát hiện ở cả các bệnh nhân Parkinson trong giai đoạn tiền triệu (chưa có các triệu chứng rõ ràng) và bệnh nhân trong giai đoạn bệnh đã biểu hiện rõ. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm, mặc dù việc sử dụng kháng sinh đã được biết là có thể có ảnh hưởng lâu dài đến hệ vi sinh vật đường ruột của con người, tuy nhiên đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy có mối liên hệ giữa việc sử dụng kháng sinh và nguy cơ bị bệnh Parkinson.
Việc sử dụng một số loại kháng sinh đường uống dường như có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ mắc PD với độ trễ thời điểm sử dụng thuốc phù hợp với thời kỳ tiền triệu của bệnh. Mô hình kết hợp cũng cho thấy sự phù hợp với các giả thuyết cho rằng mối liên quan giữa kháng sinh và PD đến từ các tác động lên hệ vi sinh vật đường ruột, tuy vậy vẫn cần những nghiên cứu sâu hơn để xác nhận điều này. Việc lạm dụng kháng sinh từ lâu đã được chứng minh là gây ra những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột, cùng với đó việc sử dụng kháng sinh cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh, như rối loạn tâm thần và bệnh Crohn. Tuy nhiên, những bệnh này hay việc tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng không giải thích được mối liên hệ giữa kháng sinh và bệnh Parkinson.
“Phát hiện này cũng có thể có ý nghĩa đối với các hoạt động kê đơn thuốc kháng sinh trong tương lai. Ngoài vấn đề kháng kháng sinh, việc kê đơn thuốc kháng vi sinh cũng cần tính đến tác động lâu dài của chúng đối với hệ vi sinh vật đường ruột và sự phát triển của một số bệnh nhất định”, bác sĩ Scheperjans cho biết thêm.
Kiều Loan - Thanh Hòa tổng hợp