Một vài điểm mới đáng chú ý trong Thông tư 26/2025/TT-BYT

Ngày 30/06/2025, Bộ Y tế ban hành Thông tư 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư này sẽ thay thế cho các Thông tư 52/2017/TT-BYT, 18/2018/TT-BYT, 04/2022/TT-BYT, 27/2021/TT-BYT.

Một vài điểm mới đáng chú ý trong Thông tư 26/2025/TT-BYT:

1. Ban hành Danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên ba mươi (30) ngày

Danh mục này bao gồm 252 bệnh, nhóm bệnh (Phụ lục VII) mà người kê đơn thuốc có thể kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa lên đến chín mươi (90) ngày, nhưng phải căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh. Đây là lần đầu tiên việc kê đơn thuốc > 30 ngày được quy định rõ, sau khi được áp dụng tạm thời trong giai đoạn giãn cách do Covid-19.

2. Nguyên tắc kê đơn thuốc

Việc kê đơn thuốc phải thực hiện theo các quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và phải phù hợp với một trong các tài liệu:

- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt

- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận hoặc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

- Dược thư quốc gia Việt Nam “hiện hành” => NVYT phải cập nhật Dược thư QGVN phiên bản mới nhất, lần xuất bản thứ ba, theo Quyết định 3445/QĐ-BYT ban hành cuối năm 2022

3. Trường hợp người bệnh khám bệnh nhiều chuyên khoa trong cùng một lần khám:

BV tự quyết định người kê đơn nhưng phải đảm bảo người bệnh chỉ được kê một (01) đơn thuốc bao gồm chỉ định thuốc của một hoặc nhiều chuyên khoa => Góp phần đảm bảo tính an toàn, hợp lý của đơn thuốc (không bị trùng thuốc, tương tác thuốc)

4. Bổ sung một số nội dung trong đơn thuốc:

- Số định danh cá nhân/số căn cước công dân/số căn cước/số hộ chiếu của người bệnh. Công dân Việt Nam cung cấp số định danh cá nhân không cần kê khai các thông tin về giới tính, ngày sinh, địa chỉ thường trú.

- Liều dùng thuốc phải ghi rõ thêm thông tin: số lượng sử dụng mỗi lần và số lần sử dụng trong ngày, số ngày sử dụng thuốc

5. Bỏ Mẫu số khám bệnh (tại Thông tư cũ):

Người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở KCB hoặc kết thúc điều trị nội trú được kê đơn vào đơn thuốc và quản lý bằng hồ sơ bệnh án nội trú/ngoại trú.

6. Thời hạn có giá trị mua, lĩnh thuốc của đơn thuốc:

Không còn quy định về thời hạn có giá trị mua, lĩnh thuốc của đơn thuốc (Thông tư cũ: tối đa 05 ngày); nhưng bổ sung thêm trách nhiệm của Người kê đơn thuốc & Người bệnh/người đại diện của người bệnh (tại Điều 12. Tổ chức thực hiện):

- Người kê đơn thuốc: có trách nhiệm khuyến cáo người bệnh về thời hạn tốt nhất của việc mua thuốc trong đơn.

- Người bệnh/người đại diện của người bệnh: có trách nhiệm lĩnh thuốc trong thời hạn tối đa 05 ngày, kể từ ngày kê đơn thuốc.

7. Quy định về Lưu đơn thuốc, tài liệu về thuốc:

Bỏ quy định cụ thể thời gian lưu 01 (một) năm hay 02 (hai) năm của Thông tư cũ; thay vào đó thực hiện theo quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên môn nghiệp vụ ngành y tế tại Thông tư số 53/2017/TT-BYT

=> Nhưng cần lưu ý là Thông tư số 53/2017/TT-BYT cũng vừa được thay thế bằng Thông tư số 33/2025/TT-BYT.

8. Khi cần sửa chữa, điều chỉnh đơn thuốc:

Người kê đơn không còn được "sửa và ký tên ngay bên cạnh nội dung sửa" nữa (như Thông tư cũ); mà thay vào đó là "người kê đơn thực hiện kê đơn thuốc mới thay thế đơn thuốc cũ".

9. Số lượng thuốc gây nghiện: vừa phải ghi bằng số và vừa ghi bằng chữ sau khi ghi số. (Thông tư cũ quy định: Số lượng thuốc gây nghiện phải viết bằng chữ, chữ đầu viết hoa).

Thông tư 26/2025/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.

File đính kèm: Thông tư 26/2025/TT-BYT