Phần 1: Sinh viên Dược học tiếng nước ngoài như thế nào trong giai đoạn trước 30/04/ 1975 ở miền Bắc và cả nước sau này cho đến giữa những năm 1990 thế kỷ XX?
Giai đoạn này dạy và học tiếng nước ngoài ở các trường không chuyên ngoại ngữ áp dụng phương pháp dạy và học gần với phương pháp dạy và học Ngoại ngữ Học thuật (Foreign Languages for Academic Purposes-FAP), chỉ với yêu cầu đọc và dịch tài liệu chuyên môn. Hiện nay áp dụng phương pháp FAP hiện đại yêu cầu sinh viên phát triển đẩy đủ bốn kỹ năng để không chỉ đọc hiểu, dịch tài liệu giáo trình chuyên môn, người học còn phải phát triển kỹ năng nghe để nghe giảng, đặc biệt nghe ghi để chép bài giảng, kỹ năng nói để tham gia thảo luận, seminar trong khóa học, kỹ năng viết để viết tiểu luận. Phương pháp dạy và học áp dụng phổ biến khi đó là phương pháp dịch ngữ pháp kết hợp với phương pháp đọc hiểu (nghĩa là một phương pháp lai tạp giữa ba phương phap như đã đề cập). Hai phương pháp này áp dụng trong dạy và học các tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Anh không chỉ ở Việt Nam mà trước đó tại nhiều nước trên thế giới.
Phương pháp đọc hiểu (Reading Comprehensive Method) Sử dụng trong những năm 1930 thế kỷ XX khi đó hầu hết các cơ sở đào tạo tiếng nước ngoài không tuyển được giáo viên đạt yêu cầu. Theo phương pháp đọc hiểu, giáo viên không cần nắm được đầy đủ các kỹ năng ngôn ngữ (đọc, nghe, nói và viết) mà chỉ cần có vốn từ vựng, biết được cấu trúc ngữ pháp. Ở phương pháp này kĩ năng đọc dịch là trọng tâm. Từ vựng là vấn đề cơ bản. Cấu trúc ngữ pháp chỉ đề cập để trợ giúp quá trình đọc hiểu.
Phương pháp dịch ngữ pháp (Grammar Translation Method) Phương pháp này thường sử dụng trong thời kì đầu (thế kỉ XVII-IXX), áp dụng rộng rãi ở châu Âu khi dạy các ngôn ngữ La Tinh và Hi Lạp, sau này là các thứ tiếng Đức, Pháp, Anh, Nga. Đặc biệt trong dạy tiếng La Tinh ở hệ thống các trường đào tạo của giáo hội công giáo.
Mục đích giảng dạy của phương pháp này hướng người học đọc và dịch được các tác phẩm nguyên tác (kinh thánh, tác phẩm văn học, đối với sinh viên dược là đọc dịch tài liệu chuyên môn: dược điển, bài báo khoa học; sách giáo khoa chuyên ngành: hóa học, bào chế, hóa dược). Các nhà sư phạm nhìn nhận ngoại ngữ như một bộ môn giáo dục toàn diện đóng vai trò chủ đạo trong phát triển trí tuệ và tư duy lô gic cho sinh viên.
Phương pháp này chú trọng vào văn bản viết. Các kỹ năng nghe và nói bị bỏ qua. Hình thức giao tiếp bằng lời nói thường chỉ dùng với để hỗ trợ giảng dạy và không yêu cầu phải sử dụng ngôn ngữ đang dạy và học.
Về ngôn ngữ: phương pháp này tập trung vào việc phân tích văn bản. Phân tích cấu trúc câu và cấu trúc ngữ pháp, phân tích từ vựng (phân loại, cấu trúc, hình thái, ngữ nghĩa). Qua văn bản được học, sinh viên dược có thể học thêm từ vựng và sinh viên luôn được khuyến khích sử dụng từ điển song ngữ và kỹ năng tra từ điển nhanh, biết càng nhiều từ mới càng tốt, khi học dịch nghĩa từ mới sang tiếng Việt (nhưng không gắn với cách sử dụng cũng như cấu trúc liên quan), các dạng bài tập dịch xuôi, một vài câu dịch ngược. Thi cử cũng lấy dịch làm trọng tâm.
Ngữ pháp được học theo phương pháp diễn dịch và mang tính hệ thống, áp dụng rộng rãi các qui tắc ngữ pháp, đồng thời so sánh đối chiếu với tiếng Việt. Tiếng Việt được sử dụng chủ yếu trong quá trình giảng dạy. Có thể nói học ngoại ngữ bằng phương pháp này, sinh viên dược được nghe giảng giải nhiều về ngoại ngữ, biết nhiều cấu trúc ngữ pháp nhưng khi cần áp dụng để giao tiếp trong các tình huống đơn giản sinh viên dược rất lúng túng hoặc không sử dụng được. Sinh viên đã trở thành các pho sách ngữ pháp về ngoại ngữ được học có lẽ kiến thức về ngữ pháp trong ngoại ngữ được học của họ còn hơn rất nhiều người bản ngữ bình thường.
Ưu điểm cơ bản của phương pháp này là sinh viên được học các tài liệu chuyên môn nguyên tác, ngữ pháp được học qua tình huống cá biệt, vốn từ bị động (passive word) lớn có thể giúp sinh viên dược dịch các tài liệu chuyên môn dễ dàng, tiếng Việt là ngôn ngữ giảng dạy và là đối tượng so sánh đối chiếu của sinh viên.
Tuy nhiên, do học ngoại ngữ, chủ yếu qua nghiên cứu các cấu trúc ngữ pháp và chuyên tâm vào dịch nên hầu như sinh viên không dùng được ngoại ngữ để giao tiếp.
Hiệu quả và hạn chế các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ áp dụng đối với sinh viên dược trong giai đoạn này Do yêu cầu nhắm tới là dịch được tài liệu chuyên môn, không yêu cầu giao tiếp được bằng ngôn ngữ đã học. Sinh viên dược ở giai đoạn này có vốn từ bị động khá lớn, vốn từ này thường chỉ sử dụng khi đọc, nhưng vốn từ chủ động (active word) rất nghèo nàn, những từ này người dùng sử dụng hiệu quả trong mọi kỹ năng đặc biệt trong nghe và nói.
Những sinh viên dược có học lực từ trung bình trở lên cho đến khá có thể đọc tài liệu chuyên môn (nguyên gốc tiếng Nga) để tham khảo cho các môn học từ năm thứ 3. Nhưng rất hạn chế trong giao tiếp đặc biệt không thể giao tiếp trực tiếp hoặc tham gia tranh luận các chủ để đơn giản chưa nói đến các chủ để chuyên môn.
Chỉ một số tình huống giao tiếp rất đơn giản, cố định và cũng chỉ các sinh viên khá trở lên mới có thể sử dụng ngôn ngữ một cách hạn chế vào các tình huống này, như chào hỏi, làm quen, hỏi tên, hỏi về gia đình, hỏi về sức khỏe theo các mẫu câu cố định.
Nhưng thực tế giao tiếp dù đơn giản hay rất đơn giản cũng không thể cố định do đó có thể nói sinh viên Việt Nam nói chung (không nói đến các trường chuyên ngữ) và sinh viên dược nói riêng không thể giao tiếp thành công trong tình huống không dự đoán trước.
Tài liệu tham khảo:
- Chương trình khung đào tạo dược sỹ đại học ban hành kèm theo Thông tư số 01/2012/TT-BGDĐT ngày13/01/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Chuẩn đánh giá năng lực ngoại ngữ (B1-B2-C1) dựa theo khung đánh giá năng lực ngoại ngữ theo tiêu chuẩn châu Âu CEFR Đại học Ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Adrian Doff, 2005, Teach English, Cambridge University Press.
- Tom Hutchinson, Alan Waters 2006, English for Specific Purposes, Cambridge University Press.
- Michaela Bücher, Kathy Jaehnig, Gloria Matzig and Tanya Weindler 2010, English for the Pharmaceutical Industry, Oxford University Press.