Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có truyền thống lâu đời trong việc sử dụng các loại cây để làm thuốc.
Lịch sử y học dân tộc ta gắn với cây thuốc Nam. Đại danh y Tuệ Tĩnh chính biểu tượng của trường phái thuốc Nam. Ông sống vào cuối thời Trần với khẩu hiệu nổi tiếng: "Nam dược trị nam nhân” (Thuốc Nam Việt trị người Nam Việt). Đương thời trong các tác phẩm của mình, ông không đưa quan niệm “Ngũ hành” (Kim, Mộc Thủy, Hỏa, Thổ) lên hàng đầu như những trước tác của đời trước, mà xếp các yếu tố tự nhiên như cây, cỏ lên trước tiên. Ông là thần y không chỉ vì tài chữa bệnh mà còn ở khả năng tìm tòi, phát hiện nhiều vị thuốc Nam quý. Trong cuốn "Hồng nghĩa giác thư y”, ông biên soạn khoảng 500 vị thuốc Nam. Đặc biệt, các cuốn "Phú thuốc Nam” và "Nam dược thần hiệu” của ông hiện vẫn được đánh giá cao và có giá trị lớn đối với y học ngày nay.
Cây Sâm Ngọc Linh - một trong những dược liệu quý hiếm của Việt Nam.
'Nam dược trị Nam nhân'
Việt Nam có sự đa dạng về chủng loại cây dược liệu (trong số hơn 12.000 loài thực vật thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc), vùng phân bố rộng khắp cả nước, có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới như: sâm ngọc linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang… Một ví dụ điển hình về dược liệu quý hiếm là sâm ngọc linh. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên chỉ có khoảng 25 saponin. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới.
Thuốc Nam - nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai.
Một số dược liệu thuốc Nam
Dược liệu thuốc Nam sẽ đưa ngành dược Việt Nam hội nhập quốc tế bởi nhiều lý do. Thứ nhất, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm dược liệu là rộng lớn do thói quen và truyền thống phòng và chữa bệnh bằng Y học cổ truyền (YHCT) của nhân dân. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, với xu hướng “trở về thiên nhiên” thì việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng hơn so với việc sử dụng thuốc tân dược ít tác hại hơn và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể hơn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển, việc chăm sóc sức khoẻ ít nhiều có liên quan đến YHCT hoặc thuốc từ dược thảo truyền thống để bảo vệ sức khoẻ. Tại Việt Nam, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60.000 tấn một năm, trong đó, Việt Nam mới chỉ cung cấp được cho thị trường khoảng 15.600 tấn một năm, phần còn lại (khoảng 70%) phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore…
Thứ hai, thế giới đang có xu hướng định hình lại phương pháp nghiên cứu tìm ra các thuốc mới. Thay vì chỉ chú trọng đến việc tổng hợp hóa học trong phòng thí nghiệm với nhiều khó khăn và nhiều độc tính, các nhà khoa học dược, các tập đoàn dược phẩm lớn hiện đang chú trọng vào sàng lọc từ thiên nhiên để tìm ra các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn, ít độc hơn.
Thứ ba, do không dùng lý luận phức tạp nên thuốc Nam dễ dàng được chứng minh tác dụng trên cơ sở khoa học hiện đại. Từ nghiên cứu hóa thực vật (phytochemical studies) đến nghiên cứu tác dụng dược lý thực nghiệm và lâm sàng (clinical pharmacology studies) đều có thể thực hiện được nhằm xác định rõ thành phần, cơ chế, tác dụng của thuốc. Điều này phù hợp quan điểm của các nước phát triển trong việc phát triển thuốc mới.
Thứ tư, việc sử dụng nguồn nguyên liệu từ cây dược liệu để chiết xuất các hoạt chất mới giúp đem lại khả năng bào chế ra những thuốc mới với chi phí nghiên cứu phát triển (research & development cost) kinh tế hơn rất nhiều so với việc nghiên cứu bào chế thành công một thuốc hóa dược mới (theo thống kê, để có được một thuốc hóa dược mới thì cần tiêu tốn chi phí khoảng từ 700 triệu đến 1,5 tỷ USD).
Thứ năm, việc phát triển các loại thuốc mới đi từ thiên nhiên sẽ giúp đem lại tiềm năng kinh tế to lớn. Hiện nay, trên thế giới, những hoạt chất như Taxon chữa ung thư từ thông đỏ… đã và đang đem lại doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm trên thế giới.
Tất cả những điều này giúp mở ra một thị trường rộng lớn cho sự phát triển của thuốc Nam, đồng thời những đặc sắc về nguồn gen và tri thức bản địa chính là những lợi thế quan trọng giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận thị trường. Nếu Việt Nam phát triển thành công một số loài cây dược liệu, cho ra vài trăm sản phẩm chất lượng cao thì sẽ giúp ngành dược phát triển mạnh mẽ, hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đồng thời góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đúng như tiêu chí của đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” hay chân lý “Nam dược trị Nam nhân” mà ông cha ta để lại.
(Nguồn: Cục quản lý dược, Bộ Y tế)