Tá dược trong chế phẩm thuốc có thể gây dị ứng hoặc tác dụng không mong muốn

Một nghiên cứu mới của nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Brigham và Viện Công nghệ Massachusetts đã phát hiện ra rằng phần lớn thuốc kê đơn thông dụng ở Hoa Kỳ có chứa ít nhất một tá dược có khả năng gây phản ứng phụ. Tá dược là các thành phần không có hoạt tính, được thêm vào thuốc để cải thiện hương vị, kéo dài thời gian sử dụng, tăng hấp thu và các đặc tính khác của thuốc, tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy hơn 90 % thuốc thử nghiệm có chứa ít nhất một tá dược có thể gây dị ứng hoặc gây các vấn đề tiêu hóa ở những người nhạy cảm. Các tá dược như vậy bao gồm lactose, dầu đậu phộng, gluten và chất nhuộm hóa học. Phát hiện trên của nhóm nghiên cứu đã được công bố trực tuyến trên tạp chí Science Translational Medicine.

Theo tác giả C. Giovanni Traverso (Phẫu thuật viên, Tiến sĩ, Bác sĩ tiêu hóa tại Khoa Tiêu hóa Brigham và Khoa Cơ khí Viện công nghệ Massachusetts) việc phải kê toa một loại thuốc có thể gây ra phản ứng bất lợi hoặc phản ứng dị ứng cho bệnh nhân là lựa chọn cuối cùng của một bác sĩ lâm sàng. Ông còn cho biết, nghiên cứu này được lấy cảm hứng từ một trường hợp có thật khi một bệnh nhân mắc bệnh Celiac được kê đơn thuốc và họ đã tự mua biệt dược có chứa gluten tại nhà thuốc (với người bệnh Celiac, sử dụng gluten sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch, làm tổn thương niêm mạc ruột). Từ đó, nhóm nghiên cứu của ông muốn tìm hiểu sâu về vấn đề này nhằm xây dựng một bộ dữ liệu đầy đủ về các tá dược trong hàng ngàn loại thuốc.

Ông Traverso đã hợp tác với Tiến sĩ Daniel Reker (chuyên gia phân tích dữ liệu sinh hóa); Bác sĩ Steven Blum (bác sĩ nội trú chuyên ngành nội khoa); Dược sĩ John Fanikos (giám đốc điều hành Dược phẩm của Brigham), và một số thành viên khác để phân tích dữ liệu của tá dược trong 42.052 loại thuốc uống có chứa hơn 354.597 tá dược. Tá dược được định nghĩa là các chất được thêm vào công thức thuốc nhưng không có tác dụng sinh học hoặc điều trị trực tiếp. Mặc dù các thành phần như vậy đã được kiểm tra độ an toàn ở quy mô lớn, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp rải rác báo cáo rằng tá dược có thể gây ra phản ứng bất lợi ở người bị dị ứng hoặc không dung nạp.

Theo ông Reker, “Điều thực sự nổi bật về bộ dữ liệu này là độ phức tạp của nó”. “Có hàng trăm biệt dược khác nhau, được phối hợp bởi nhiều tá dược khác nhau với một loại hoạt chất. Điều này không những nhấn mạnh việc lựa chọn tá dược cho các chế phẩm thuốc là rất đa dạng, đồng thời còn cho thấy rằng hiện nay có một cơ hội chưa được khai thác nhiều, đó là việc đặc biệt lựa chọn loại biệt dược thích hợp nhất cho các bệnh nhân nhạy cảm”

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy tổng cộng 38 tá dược đã được mô tả trong các tài liệu tham khảo có thể gây ra các triệu chứng dị ứng sau khi uống. Các tác giả báo cáo rằng 92,8 phần trăm các loại thuốc họ phân tích có chứa ít nhất một trong số các tá dược trên. Cụ thể:

  • Khoảng 45 phần trăm thuốc có chứa lactose;
  • khoảng 33 phần trăm thuốc có chứa chất nhuộm thực phẩm;
  • Chỉ 0,08 phần trăm thuốc có chứa dầu đậu phộng, trong đó một số thuốc (như progesteron) đã có chế phẩm thay thế không chứa tá dược này.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng các tá dược có thể gây ra phản ứng bất lợi thông qua phản ứng dị ứng (là các phản ứng liên quan đến histamin, có thể gây ra phát ban, khó thở và/hoặc sốc phản vệ) hoặc không dung nạp, trong đó việc khó hấp thụ một chất có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa. Hiện tại chưa rõ lượng tá dược là bao nhiều sẽ kích hoạt phản ứng ở người nhạy cảm. Ví dụ, thông thường hàm lượng lactose trong thuốc là quá thấp để gây ra phản ứng ở nhiều bệnh nhân, tuy nhiên ở người không dung nạp lactose nặng hoặc người dùng một lúc nhiều thuốc có lactose thì phản ứng bất lợi vẫn có thể xảy ra.

Traverso cho rằng mặc dù nhóm nghiên cứu gọi tá dược là thành phần 'không có hoạt tính', nhưng trong nhiều trường hợp thì nó vẫn có. Tuy liều lượng các thành phần này thường thấp, nhưng trong phần lớn các trường hợp, nhóm nghiên cứu chưa biết ở ngưỡng nào thì người dùng có thể gặp phản ứng bất lợi. Từ đó nhóm nghiên cứu đề xuất cần thực hiện việc chăm sóc theo cá thể bệnh nhân và cần có các quy định cụ thể về việc dán nhãn thuốc cho thuốc có chứa thành phần có thể gây ra phản ứng bất lợi.

Sưu tầm và dịch: Thái Khoa Bảo Châu

Tham khảo: sciencedaily.com