Vắc xin mới điều trị bệnh Alzheimer cho thấy tiềm năng trên chuột

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ. Theo ước tính mới nhất từ ​​Hiệp hội Alzheimer, cứ 10 người trên 65 tuổi ở Hoa Kỳ thì có 1 người mắc bệnh Alzheimer và các chuyên gia dự đoán số người mắc bệnh sẽ tăng lên khi dân số già đi. Đến năm 2050, các dự báo cho thấy 13,8 triệu người từ 65 tuổi trở lên sẽ mắc bệnh Alzheimer ở ​​Hoa Kỳ.

Có hai quá trình thúc đẩy sự tiến triển của bệnh Alzheimer: Sự hình thành các mảng bám beta-amyloid ngoại bào và sự hình thành các đám rối tơ thần kinh nội bào dẫn đến làm suy giảm chức năng và gây chết các tế bào thần kinh. Sự thoái hoá thần kinh được ước tính bắt đầu từ 20-30 năm trước khi bất kỳ có biểu hiện lâm sàng nào của bệnh trở nên rõ ràng. Các mảng bám và các đám rối tơ thần kinh nội bào được coi là các biểu hiện sớm của  Alzheimer, dẫn đến sự thoái hóa thần kinh và apoptosis của nơ-ron.

VC AZ 3

Hình 1. Beta-amyloid kết tụ với nhau tạo thành mảng bám giữa các tế bào thần kinh trong não người bệnh Alzheimer.

Một nghiên cứu mới do Đại học Y Nam Florida (USF Health) đã mô tả một loại vắc-xin điều trị mới cho bệnh Alzheimer, an toàn và hiệu quả trên chuột. Vắc-xin sử dụng các tế bào của chính cơ thể để tạo ta phản ứng miễn dịch nhắm vào phá hủy beta-amyloid trước khi nó làm trầm trọng thêm tổn thương tế bào thần kinh. Phương pháp này sử dụng các tế bào đuôi gai (dendritic cells) được nạp beta-amyloid đã được sửa đổi làm kháng nguyên để cơ thể có thể phát hiện và kích thích phản ứng miễn dịch tế bào B và tế bào T để tạo ra các kháng thể. Việc sử dụng tế bào của chính cơ thể tránh được sự kích thích quá mức của hệ thống miễn dịch dẫn đến viêm so với việc sử dụng sử dụng các chất bổ trợ hóa học. Vì viêm là một triệu chứng chính của bệnh Alzheimer, bất kỳ phương pháp điều trị nào gây viêm dây thần kinh là một tác dụng phụ khó chấp nhận. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là hệ thống miễn dịch của người bệnh Alzheimer lớn tuổi thường kém nên đáp ứng thấp hơn với vắc xin.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm vắc-xin này trên các mô hình chuột mắc bệnh Alzheimer. Những con chuột này được biến đổi gen để tạo ra hàm lượng beta-amyloid cao tương tự như những trường hợp xảy ra ở người bị bệnh Alzheimer. Một nhóm chuột bệnh được tiêm vắc-xin, một nhóm chuột bệnh chỉ tiêm tế bào đuôi gai (không chứa beta-amyloid). Những con chuột được tiêm vắc-xin đã tạo ra kháng thể chống lại beta-amyloid trong não và máu. Trong các bài kiểm tra trí nhớ, những con chuột được tiêm phòng thực hiện tương tự như những con chuột khỏe mạnh, trí nhớ cũng cải thiện đáng kể so với những con chuột chỉ nhận các tế bào đuôi gai không chứa beta-amyloid. Nghiên cứu này cũng không tìm thấy bằng chứng về phản ứng viêm. Không có sự khác biệt đáng kể về số lượng các phân tử gây viêm gọi là cytokine ở những con chuột được tiêm chủng so với những con chuột không được tiêm chủng.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu hy vọng rằng vắc-xin có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh Alzheimer ở ​​người, cần các nghiên cứu sâu hơn để xác nhận rằng vắc-xin có thể tạo ra kháng thể lâu dài và an toàn để sử dụng ở người.

Tổng hợp và lược dịch

Nguyễn Thị Như Ngọc

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.medicalnewstoday.com/articles/new-vaccine-for-alzheimers-disease-shows-potential-in-mice
  2. https://hscweb3.hsc.usf.edu/blog/2020/10/20/new-vaccine-targeting-toxic-amyloid-%CE%B2-could-help-halt-alzheimers-disease-progression-preclinical-study-finds/