Ngoại ngữ giao tiếp và chuyên ngành Dược (Phần 2)

Tiếp theo phần 1, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc phần tiếp theo về việc dạy ngoại ngữ cho sinh viên hiện nay

2. Giai đoạn giữa những năm 1990 thế kỷ XX đến nay

 Năm học 1994-1995 Đại học Dược Hà Nội, đại học đầu tiên trong hệ thống đào tạo nhân lực y tế bắt đầu dạy tiếng Anh thay cho tiếng Nga. Từ đó đến nay môn tiếng Anh được chia ra thành ba học phần.

Tuy nhiên phần tiếng Anh chuyên ngành thiếu xác định yêu cầu rõ ràng giữa tiếng Anh Học thuật (English for Academic Purposes-EAP) và tiếng Anh Nghề nghiệp (English for Occupational Purposes-EOP).

EOP sử dụng trong sản xuất kinh doanh dược phẩm có yếu tố nước ngoài (Foreign Direct Investment-FDI), tập trung vào giao tiếp trong công việc đang thực hiện thực tế tại nhà máy sản xuất dược phẩm, công ty dược phẩm, văn phòng đại diện, khoa dược bệnh viện, nhà thuốc ở các bệnh viện trên. Tức chuẩn bị cơ hội xác định cho người lao động đáp ứng yêu cầu công việc và nhà tuyển dụng.

Về mặt lý thuyết phương pháp giảng dạy được áp dụng cơ bản là phương pháp trực tiếp sau này là phương pháp giao tiếp.

1-Phương pháp trực tiếp (Direct Method):

Phương pháp này là một phản ứng tích cực của các nhà giáo dục ngôn ngữ. Phương pháp trực tiếp đối lập với Phương pháp dịch ngữ pháp. Phương pháp này có những đặc điểm chính như hoàn toàn không sử dụng tiếng Việt trên lớp, giáo viên thường là người có năng lực tiếng Anh cao, từ mới được dạy bằng cách diễn tả hành động hoặc tranh ảnh minh họa, các cuộc hội thoại hay những mẩu chuyện vui được dùng làm nền tảng cho bài học, chủ đề bài học thường hướng tới các tình huống sinh hoạt hàng ngày, các cấu trúc ngữ pháp cũng được giảng dạy theo phương pháp này nhưng không nghiên cứu sâu và phân tích kỹ hiện tượng ngữ pháp như ở phương pháp dịch ngữ pháp.

Ưu điểm chính của phương pháp này là sinh viên có nhiều điều kiện sử dụng ngoại ngữ. Đồng thời cũng có thể ứng dụng được ngôn ngữ đã học vào các giao tiếp thực tế. Nhưng có một số hạn chế khi lớp học quá đông chỉ một số sinh viên mạnh dạn mới có tiến bộ. Tuy nhiên khi dạy ngoại ngữ chuyên ngành (English for Specific Purpose) rất khó áp dụng khi chưa có tài liệu phù hợp nên phần ngoại ngữ chuyên ngành vẫn dạy theo phương pháp dịch ngữ pháp trên nền tảng yếu cả về vốn từ vựng lẫn cấu trúc ngữ pháp.

2-Phương pháp giao tiếp (Communicative Approach) hay đường hướng giao tiếp Phương pháp này coi giao tiếp là chức năng chủ yếu của ngôn ngữ. Mục tiêu dạy và học theo phương pháp này nhằm đạt được năng lực giao tiếp, có nghĩa là đạt được “khả năng không chỉ ứng dụng quy tắc ngữ pháp để đặt câu đúng mà còn biết dùng đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng” (Richards và Platt, 1992:65), tức là thoả mãn được ba yêu cầu:

  • Lưu loát (Fluency)
  • Chính xác (Accuracy)
  • Phù hợp (Appropriacy).

Điều đó đáp ứng nhu cầu giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày không tiên đoán trước được tình huống sẽ xảy ra (Communication in Unpredictable Situation).

Đường hướng này dựa trên nền tảng phương pháp giáo dục tích cực (Active Learning) lấy người học làm trung tâm (Learner Centered), người học luôn đóng vai trò trung tâm, giáo viên chỉ là người hướng dẫn.

Các hoạt động trên lớp gắn liền với việc sử dụng tiếng Anh. Qua các hoạt động này, sinh viên nắm thành thạo các chiến lược giao tiếp như: biết hỏi lại khi chưa rõ vấn đề, biết thảo luận trong các cuộc tranh luận, theo phương pháp này ngữ liệu (Linguistic Corpus) một bài học dù là bài báo khoa học, hay một đoạn hội thoại giữa các đồng nghiệp đều có thể thực hành giao tiếp ở mức độ cao.

Giáo viên khai thác tối đa các hoạt động làm việc nhóm (Work in Groups), hoạt động làm việc theo cặp (Work in Pairs), kỹ năng trình bày vấn đề giúp sinh viên tích cực thực hiện bài học, không thụ động tiếp thu nội dung giảng dạy.

Sinh viên được học tiếng Anh qua thực hành tiếng (Language Practice), qua các hoạt động giao tiếp, mà không nghe giáo viên giảng giải về lý thuyết tiếng đang học (Learning Theory Language), các kĩ năng như nghe, nói, đọc, viết thực hành đan xen chứ không tách rời.

Học tiếng Anh thực sự là quá trình chủ động sáng tạo, chấp nhận mắc lỗi.

Ngữ liệu giảng dạy là ngữ liệu nguyên gốc, có ý nghĩa, mang lại thông tin thực sự, được lấy từ đời sống, từ công việc thực hành nghề nghiệp chứ không phải viết ra để sử dụng trên lớp học. Điều đó cũng có nghĩa là sinh viên có khả năng làm được những việc cụ thể như hướng dẫn sử dụng thuốc, tư vấn cho bác sỹ và người bệnh về thông tin thuốc, thảo luận các vấn đề chuyên môn, biết yêu cầu, biết nhận lỗi trong những tình huống thực tế.

Giáo viên chỉ đóng vai trò người tổ chức, người điều hành, người quản lí, người tư vấn. Một lớp học thực sự có hiệu quả chỉ khi sinh viên phải là người nói nhiều chứ không phải là màn thuyết trình đơn độc của giáo viên.

Nhưng liệu có thể áp dụng các phương pháp dạy và học ngoại ngữ hiện đại không khi thiếu giáo trình phù hợp, thiếu đội ngũ giáo viên có hiểu biết đầy đủ về cả chuyên môn và năng lực ngoại ngữ, cơ sở vật chất không đáp ứng, thời lượng phân bổ quá ít.

Áp dụng các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ hiện đại đối với sinh viên dược mang lại hiệu quả và hạn chế gì ?

Phần tiếng Anh giao tiếp nói chung khuyến khích được học sinh thực hành nhiều hơn. Tuy nhiên để áp dụng triệt để phương pháp dạy tiếng Anh hiện đại có khá nhiều hạn chế, không chỉ đối với tiếng Anh giao tiếp mà còn là rào cản rất lớn đối với tiếng Anh chuyên ngành.

1-Thứ nhất hạn chế từ người học do việc dạy ngoại ngữ ở trình độ phổ thông chưa đạt yêu cầu giao tiếp (kiểm tra, đánh giá chủ yếu về từ vựng và ngữ pháp). Những gì được học ở phổ thông không thành nền tảng để nâng cao khi học đại học.

Trình độ đầu vào tiếng Anh của sinh viên quá chênh lệch. Vì những hạn chế đó khi áp dụng phương pháp dạy tiếng Anh hiện đại sinh viên đa phần không đáp ứng yêu cầu môn học. Khi yêu cầu phải thực hiện đầy đủ kỹ năng thực hành tiếng (đọc, nghe, nói, viết) trong mọi loại hình bài giảng đặc biệt là kỹ năng nói khiến sinh viên nhất là sinh viên yếu không tự tin, khi phải nói bằng tiếng Anh dẫn tới bài học không hiệu quả.

Một bộ phận sinh viên chưa nhận thức đúng về môn học nên học chỉ để đối phó với thi cử hoặc chưa có phương pháp học tập hiệu quả cũng như không đầu tư thời gian thích đáng cho môn học. Từ hạn chế của sinh viên khiến một bộ phận lớn giáo viên quá dễ dãi với sinh viên không đòi hỏi sinh viên phải thực hành đúng yêu cầu của phương pháp dạy hiện đại, do đó có xu hướng quay trở lại phương pháp dạy và học đã lạc hậu.

2-Hạn chế từ người dạy (đội ngũ giáo viên) Khó khăn lớn nhất không chỉ đối với tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên dược mà còn đối với tiếng Anh chuyên ngành cho mọi ngành ở nước ta là giáo viên không có hiểu biết nhất định về ngành học của sinh viên.

Dẫn tới khi giảng dạy không hiểu thấu đáo các khái niệm chuyên môn nên rất thiếu tự tin khi dịch bài. Vì không hiểu được những kiến thức này bằng tiếng Việt nên không thể tư duy và diễn đạt được bằng tiếng Anh.

Như vậy nếu giáo viên thực sự có trình độ sư phạm tiếng Anh, có năng lực tiếng cũng không thể triển khai dạy học theo đường hướng giao tiếp được.

Nếu những giảng viên này soạn thảo giáo trình chắc chắn ngữ liệu giảng dạy không thể tránh khỏi những hạn chế như nêu ở phần dưới đây (hạn chế từ phân bổ chương trình và giáo trình). Để khắc phục có trường đã sử dụng giáo viên chuyên môn dạy tiếng Anh chuyên ngành nhưng năng lực tiếng Anh các giáo viên này rất kém không thể triển khai dạy tiếng Anh theo các phương pháp hiện đại được.

Một hạn chế nữa khi chuyển sang dạy tiếng Anh các trường đại học ở nước ta giai đoạn đầu đã sử dụng một số lượng giáo viên tiếng Nga được “đào tạo lại” không đạt chuẩn mực (đào tạo lại thực hiện ở các trung tâm ngoại ngữ ngoài giờ, cấp các chứng chỉ A, B, C nhưng nhiều giáo viên chỉ theo được tới chứng chỉ B), số giáo viên này khi chuyển đổi tuổi đã cao, tiếp thu hạn chế do đó năng lực ngôn ngữ khá yếu, không thể đạt yêu cầu giảng dạy theo phương pháp hiện đại.

3-Hạn chế từ cơ sở vật chất điều kiện dạy và học còn hạn chế như sĩ số lớp đông, các phương tiện nghe nhìn, áp dụng công nghệ thông tin chưa được sử dụng triệt để khi dạy và học, hầu như không có phòng tiếng do đó có thể nói là dạy chay, học chay.

4- Hạn chế từ phân bổ chương trình và giáo trình: thời lượng dành cho dạy và học ngoại ngữ quá ít. Hiện tại quy định 12 đơn vị học trình cho môn học nhưng để đạt hiệu quả như chương trình khung cũng như nhu cầu của nhà tuyển dụng (IELT 4.0-4.5 hay 410-460 điểm TOEIC) cần phải cần từ 20 đến 25 đơn vị học trình.

Theo nghiên cứu của Cambridge, thời gian cần thiết để đạt trình độ A1 là 75 giờ, đạt trình độ A2 là 180-200 giờ, đạt trình độ B1 là 350-400 giờ (tương đương yêu cầu của Bộ GD ĐT) , đạt trình độ B2 là 500-600 giờ, đạt trình độ C1 là 700-800 giờ và C2 là 1000-1200 giờ. Kết quả sinh viên không giao tiếp được như yêu cầu “trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về ngữ pháp, các kỹ năng giao tiếp thông dụng cùng với vốn từ cần thiết cho giao tiếp thông thường”.

Phần tiếng Anh chuyên ngành nói chung không đạt được yêu cầu chung trong khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo “giao tiếp chuyên ngành dược; đồng thời có thể áp dụng để tham khảo một số tài liệu chuyên ngành.” Do các khó khăn hạn chế như không có giáo trình được soạn theo phương pháp giảng dạy hiện đại.

 Ngữ liệu giảng dạy với chương trình tiếng Anh chuyên ngành hiện nay ở phía Bắc không đáp ứng được thực tế thực hành nghề nghiệp của dược sỹ. Nội dung bài giảng nghèo nàn về kiến thức, lạc hậu về chuyên môn, do lạc hậu về chuyên môn nên có những nội dung sai trầm trọng về kiến thức. Điều đó khiến người học cảm thấy nhàm chán không gây được hứng thú.

Kết quả sinh viên hiện nay về trình độ và khả năng sử dụng tiếng Anh nói chung và tiếng Anh chuyên ngành thực sự không có gì hơn so với trình độ và khả năng sử dụng tiếng Nga mấy chục năm trước của sinh viên các trường đại học trước khi triển khai dạy tiếng Anh. Nếu chỉ nói đến tham khảo tài liệu chuyên môn bằng ngoại ngữ chắc chắc kém xa sinh viên thời đó.

Tham khảo

1 Chương trình khung đào tạo dược sỹ đại học ban hành kèm theo Thông tư số 01/2012/TT-BGDĐT ngày13/01/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2 Chuẩn đánh giá năng lực ngoại ngữ (B1-B2-C1) dựa theo khung đánh giá năng lực ngoại ngữ theo tiêu chuẩn châu Âu CEFR Đại học Ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội.

3 Adrian Doff, 2005, Teach English, Cambridge University Press.

4 Tom Hutchinson, Alan Waters 2006, English for Specific Purposes, Cambridge University Press.

5 Michaela Bücher, Kathy Jaehnig, Gloria Matzig and Tanya Weindler 2010, English for the Pharmaceutical Industry, Oxford University Press.

Nguồn: https://namudinsider.com/