Ứng dụng công nghệ thông tin trong kê đơn và Quản lý đơn thuốc điện tử

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo nên nhiều thay đổi mạnh mẽ trên hầu hết các khía cạnh kinh tế xã hội, và ngành y tế cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Ngành y tế là ngành khoa học kỹ thuật đặc thù, gắn liền với trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, việc áp dụng các thành tựu công nghệ thông tin không chỉ giúp đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, giảm thiểu sai sót và giảm thiểu tiêu tốn nguồn lực mà còn giúp làm tăng hiệu quả công tác quản lý ngành. Điều này đã trở thành vấn đề cốt lõi trong định hướng phát triển ngành y tế Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành nhiều quyết định, đề án, chỉ thị… hướng đến xây dựng và phát triển nền y tế điện tử, trong đó có những nội dung liên quan chặt chẽ đến ngành Dược. Có thể kể đến như “Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025” được ban hành theo quyết định số 4888/QĐ-BYT; Quy định hồ sơ bệnh án điện tử được ban hành theo thông tư số 46/2018/TT-BYT, “Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc nhằm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” được ban hành theo quyết định số  5071/QĐ-BYT… và đáng lưu ý gần đây là đề án “Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát, quản lý đơn thuốc điện tử” bởi vì đơn thuốc điện tử là một trong những cấu phần quan trọng, không thể thiếu của bệnh án điện tử cũng như hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử của mỗi người bệnh.

Đề án “Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát, quản lý đơn thuốc điện tử” nêu trên được ban hành theo quyết định số 3680/QĐ-BYT ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Bộ Trưởng Bộ Y Tế. Đề án được xây dựng trong bối cảnh hoạt động kê đơn, bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc tại nước ta vẫn đang còn nhiều bất cập. Theo đánh giá của Bộ Y Tế về thực trạng kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú thì tại Việt Nam, các cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đang kê đơn thuốc bằng cách sử dụng phần mềm máy tính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc kê đơn thuốc trực tiếp bằng tay trên giấy (đơn thuốc hoặc sổ y bạ). Mặc dù tại các bệnh viện, 100% các bác sỹ đã kê đơn thuốc bằng máy tính trên phần mềm quản trị bệnh viện, sau đó đơn thuốc được gửi tới các khoa, phòng, nhà thuốc bệnh viện và Bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ vào đó để thực hiện việc thanh quyết toán; tuy nhiên đơn thuốc của mỗi bệnh viện có một định dạng chuẩn dữ liệu khác nhau và không đồng nhất khối dữ liệu khó liên thông ra ngoài cơ sở khám chữa bệnh. Các đơn thuốc không có mã định danh chứng thực của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và mã định danh của cơ sở khám chữa bệnh, bên bác sỹ vẫn phải in đơn từ máy tính và ký trực tiếp cho bệnh nhân. Ngoài ra phần lớn cơ sở khám chữa bệnh tư nhân (phòng khám đa khoa, chuyên khoa) vẫn áp dụng việc kê đơn thuốc bằng cách viết trực tiếp vào sổ y bạ và khó để kiểm soát đơn thuốc mà bệnh nhân được bác sỹ nào kê, tại đâu, cũng như bác sỹ có đủ thẩm quyền kê đơn thuốc hay không. Phần mềm Dược Quốc gia hiện đang triển khai nhằm quản trị các hoạt động xuất, nhập, tồn của thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc, tuy nhiên lại chưa thể kiểm soát toàn diện việc bán thuốc theo đơn, cụ thể chưa kiểm soát được việc tái mua với đơn thuốc đã mua hoặc đã hết hạn. Do vậy, việc quản trị đơn thuốc điện tử kèm mã định danh điện tử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là điều cần thiết. Tuy nhiên đây là việc làm mới nên cũng cần có nhiều quy định về điều kiện thực hiện và chế tài áp dụng kèm theo để đảm bảo việc áp dụng được đồng loạt thống nhất nhằm mang lại hiệu quả cao.

Đề án quản lý đơn thuốc điện tử được xây dựng hướng đến các mục tiêu chung đó là:

  • Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát kê đơn thuốc điện tử bảo đảm việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả và từng bước quản lý việc kê đơn và bán thuốc theo đơn;
  • Giúp cơ quan quản lý, cơ sở khám chữa bệnh quản trị tốt hơn việc kê đơn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đồng thời góp phần hiện đại hóa ngành y tế, tiến tới hội nhập quốc tế.

Và các mục tiêu cụ thể, bao gồm:

  • Quản lý việc kê đơn thuốc theo quy định của Bộ y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước và tư nhân.
  • Quản trị việc bán thuốc theo đơn tại các cơ sở cung ứng thuốc. Tránh tái bán với các loại thuốc chỉ được bán khi có đơn, đặc biệt là kháng sinh và thuốc kiểm soát đặc biệt.
  • Thống kê, tổng hợp, phân tích việc kê đơn thuốc nhằm truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm từng tổ chức cá nhân trong trường hợp vi phạm và hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra.
  • Trên cơ sở phân tích dữ liệu của kho đơn thuốc có thể tạo ra báo cáo đánh giá đúng về hiện trạng sức khỏe của người dân cũng như các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ y tế và đưa tới dự báo tình hình, xu hướng bệnh tật, nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân trong hệ thống khám chữa bệnh.

Đề án cũng nêu rất rõ nội dung, giải pháp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc xây dựng quy định pháp luật về việc sử dụng đơn thuốc điện tử và mã định danh điện tử, quy định về việc kết nối giữa cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở cung ứng thuốc với hệ thống đơn thuốc điện tử quốc gia, các chế tài cần thiết để triển khai quy định trên; xây dựng các cơ chế tài chính để có ngân sách vận hành, thực hiện đề án; xây dựng hệ thống phần mềm (bao gồm phần mềm quản trị toàn bộ đơn thuốc điện tử - Kho đơn thuốc điện tử Quốc gia, phần mềm cung cấp mã định danh điện tử cho người hành nghề và mã định danh điện tử cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phần mềm kê đơn thuốc điện tử). Điều này sẽ đảm bảo việc quản trị đơn thuốc được kê có mã đơn riêng biệt, đính kèm theo mã định danh của bác sỹ, mã định danh của cơ sở khám chữa bệnh. Đơn thuốc được chia sẻ tới các cơ sở cung ứng thuốc, bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, bảo hiểm xã hội và quản lý đơn thuốc đã bán cũng như việc bán thuốc theo đơn.

Việc thực hiện Đề án quản lý đơn thuốc điện tử trên phạm vi toàn quốc không chỉ đáp ứng yêu cầu và chỉ đạo của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Y tế mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng cho người dân và cho nhà quản lý. Nhà quản lý sẽ đảm bảo được việc kiểm soát người hành nghề, các cơ sở khám chữa bệnh trong việc kê đơn thuốc, quản trị các phác đồ điều trị và đảm bảo việc thanh kiểm tra giám sát truy xuất trách nhiệm của từng cá nhân tổ chức liên quan nếu xảy ra sai phạm. Người dân sẽ nhận được nhiều lợi ích từ đề án này như nhận được cảnh báo về đơn thuốc, nhận cảnh báo về các loại thuốc phải bán theo đơn, đặc biệt trên đơn thuốc có mã định danh của Bệnh viện và bác sỹ nên người dân chỉ cần nhớ mã định danh mà không cần đơn thuốc bằng  giấy là có thể mua thuốc ở bất cứ hiệu thuốc nào. Người dân vào mạng gõ "donthuocquocgia.vn” và nhập mã đơn thuốc về thì sẽ tìm lại được bản sao đơn thuốc của mình hoặc người nhà trước đó. Ngoài ra các cơ sở cung ứng thuốc tham gia vào hệ thống sẽ nhận được đơn và đảm bảo được việc bán thuốc theo đơn như chỉ đạo của Bộ y tế. Bên cạnh đó, trên cơ sở quản trị, phân tích khối dữ liệu về đơn thuốc, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể đưa ra những định hướng chính sách phù hợp trong quản lý điều hành nhằm làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Thông qua các giải pháp đồng bộ và tổng thể này sẽ hỗ trợ được người dân trong việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả.

hinhminhhoaqld.png

Hình: Giao diện trang chủ “donthuocquocgia.vn”

Bước đầu đề án này đã được thực hiện thí điểm tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên. Theo kết quả ban đầu, hai địa phương này đều thực hiện phần mềm một cách dễ dàng và đáp ứng được yêu cầu, tiến đến nhân rộng mô hình và áp dụng đồng bộ trên phạm vi cả nước theo lộ trình chia thành 4 giai đoạn đã được nêu trong đề án, cụ thể:

  • Giai đoạn 1: Tổ chức xây dựng các văn bản pháp quy và đồng thời triển khai thí điểm ở một số Sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh để rút kinh nghiệm.
  • Giai đoạn 2: Hội thảo sơ kết rút kinh nghiệm việc triển khai thí điểm. Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục văn bản pháp lý và các quy định cho Hệ thống đơn thuốc điện tử. Từng bước chính thức đưa ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát, quản lý kê đơn thuốc điện tử.
  • Giai đoạn 3: Đưa việc triển khai Hệ thống đơn thuốc điện tử vào thực tế, tiến hành ấn nút liên thông khai trương các cổng liên thông lên kho đơn thuốc điện tử Quốc gia. Triển khai truyền thông trên phạm vi toàn quốc, tập huấn các cơ sở hành nghề y dược và người hành nghề y và dược về phần mềm và yêu cầu sử dụng. Kết nối liên thông các phần mềm của nhiều nhà cung cấp vào Kho đơn thuốc điện tử.
  • Giai đoạn 3: Đôn đốc nhắc nhở các cơ sở khám chữa bệnh, người hành nghề trong việc sử dụng Hệ thống đơn thuốc điện tử.
  • Giai đoạn 4: Hoàn thiện việc đánh giá số lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề đã sử dụng hệ thống đơn thuốc điện tử. Tiếp tục rút kinh nghiệm đánh giá các công việc đã làm được.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, việc đưa hệ thống đơn thuốc điện tử vào thực tế gặp nhiều khó khăn như:

  • Một bộ phận người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hiện nay vẫn kê đơn thuốc bằng cách viết trực tiếp và chưa áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
  • Các chế tài xử phạt nếu không ban hành đồng thời với việc áp dụng hệ thống đơn thuốc điện tử sẽ khiến người hành nghề và các cơ sở khám, chữa bệnh không có sức ép để triển khai.
  • Chưa có cơ chế và ngân sách cho đặt hàng sản xuất phần mềm hay thuê dịch vụ công khiến việc bố trí kinh phí cho dự án cũng gặp nhiều khó khăn
  • Phần mềm kết nối chưa thống nhất nên cán bộ y tế vừa khám vừa nhập thông tin trên phần mềm vừa phải nhập thông tin bằng tay, do đó mất nhiều thời gian, bệnh nhân phải chờ đợi lâu.
  • Hệ thống mạng, phần mềm nhiều lúc bị lỗi, chậm… 

Mặc dù vẫn còn những khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng để đáp ứng kịp thời nhu cầu đổi mới trong quản lý và hội nhập quốc tế trong xu thế phát triển của thời đại 4.0, cùng với nỗ lực chung của toàn ngành, việc đưa ứng dụng phần mềm trong quản lý đơn thuốc điện tử vào thực tế cuộc sống là điều cần thiết và cấp bách. Với việc triển khai đề án này sẽ đóng góp phần không nhỏ giúp nâng cao chất lượng công tác giám sát sử dụng thuốc hợp lý an toàn, nâng cao tính thuận tiện và hiệu quả trong tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh và cung ứng thuốc nhằm đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày một tốt hơn.

Tổng hợp

ThS. N.P. Bích Ngọc