Dự báo tình trạng khan hiếm lao động ngành dược

(TBKTSG Online) - Nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group cho biết các doanh nghiệp đang lo ngại về tình trạng khan hiếm lao động đạt yêu cầu trong ngành dược.

Nhà tuyển dụng đang lo lắng về tình trạng khan hiếm lao động đạt chuẩn trong ngành dược. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Ngày 23-6, Navigos Group vừa công bố báo cáo về “Đặc thù trong tuyển dụng và môi trường làm việc trong ngành dược và thiết bị y tế” (trong báo cáo gọi chung là ngành dược). Theo nội dung báo cáo này, các doanh nghiệp trong ngành dược và thiết bị y tế cho biết họ luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nhân sự.

Cụ thể, khi trả lời về tình hình tuyển dụng, gần một nửa (1/2) nhóm ứng viên tham gia cuộc khảo sát cho biết doanh nghiệp họ luôn trong tình trạng thiếu nhân sự. Và khi chia sẻ về các thách thức lớn nhất hiện nay khi tuyển dụng, “khan hiếm nguồn ứng viên đạt yêu cầu” là lý lo lớn nhất, chiếm đến 81% ý kiến của nhà tuyển dụng. Những lý do xếp hàng thứ 2 và thứ 3 chỉ chiếm khoảng 25% ý kiến, lần lượt như “khó khăn trong việc kiểm tra năng lực của ứng viên”; và “ứng viên có thể đồng thời làm việc tại nhiều công ty vào cùng một thời điểm”.

Theo báo cáo về nhân sự ngành dược, các vị trí luôn có nhu cầu tuyển dụng nhiều tại công ty đều liên quan đến khối thương mại, thị trường. Có 51% nhà tuyển dụng cho biết họ luôn có nhu cầu tuyển dụng trình dược viên, vị trí có nhu cầu tuyển dụng nhiều tiếp theo là quản lý kinh doanh khu vực, chiếm 30% ý kiến nhà tuyển dụng; các vị trí khác như phát triển thị trường, dược sỹ… xếp ở các vị trí thứ ba, chiếm tỷ lệ 23% ý kiến.

Mặt khác, có đến 86% nhà tuyển dụng cho biết họ ưu tiên tuyển dụng thế hệ Y (thập niên 80 tới đầu thập niên 90) cho doanh nghiệp. Đây cũng là lý do vì sao chân dung thế hệ Y được doanh nghiệp khắc họa rõ nét nhất so với các thế hệ còn lại. Bên cạnh đó, những người thuộc thế hệ X cũng được nhà tuyển dụng mô tả kỹ lưỡng hơn so với các thế hệ Baby Boomer (thập niên 60) hay thế hệ Z (1995-2012).

Có năm yếu tố được nhiều tuyển dụng mô tả nhiều nhất về thế hệ Y, đồng thời các yếu tố này cũng đạt tỷ lệ đánh giá cao hơn các nhóm thế hệ còn lại, lần lượt như: Hiệu suất công việc tốt; khả năng ngoại ngữ tốt nhất; đề cao thay đổi và sáng tạo; quan hệ tốt với mạng lưới các bệnh viện; đề cao cân bằng công việc – cuộc sống.

Báo cáo của Navigos Group dựa trên việc phân tích kết quả của cuộc khảo sát từ 601 ứng viên và 43 doanh nghiệp (nhà tuyển dụng) trong lĩnh vực dược và thiết bị y tế.

Dù các chế độ lương thưởng, phúc lợi của ngành dược khá hấp dẫn trên thị trường nhưng đây lại không phải là lý do lớn nhất để ứng viên đến với nghề, do đó chỉ có 23% ứng viên chọn lý do này. Mục tiêu “muốn học hỏi để được làm việc trong ngành lâu dài” mới là lý do chính khiến ứng viên quyết định gắn bó với lĩnh vực này, chiếm 43% ý kiến nhóm ứng viên. Nhân sự ngành dược cũng thể hiện xu hướng gắn bó và ổn định khi có đến ½ cho biết họ sẽ ở lại trên 3 năm, trong đó 24% chọn sẽ ở lại từ 3–5 năm; 28% chọn sẽ ở lại trên 5 năm.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online